top of page
Search

Tại sao lại là Pháp?

  • Tien Len
  • Jul 17, 2016
  • 5 min read

Câu hỏi thảng thốt của một người bạn sau khi biết tin về vụ khủng bố kinh hoàng trong ngày Quốc khánh Pháp khiến tôi không ngừng suy nghĩ về vụ việc.


Phương Tây dường như đã lỡ mở chiếc hộp Pandora và giờ đây họ đang phải trả giá. Nhà nước Hồi giáo (ISIS), một quái thai của quá trình tác động và can thiệp của phương Tây đến các chính thể ở Trung Đông - vốn là những quốc gia được cho là không thân thiện với các giá trị phương Tây - đang ngày càng trở nên vô cùng nguy hiểm và dường như không thể bị đánh bại chỉ bởi tàu sân bay và tên lửa.


Điều khiến IS khó bị đánh bại nhất là chúng sở hữu thứ vũ khí phương Tây không thể có: sự cực đoan hóa.


Những cái chết của hàng trăm nghìn người vô tội vì bom đạn của liên quân ở Iraq, Libya và Syria. Những hành xử mang tính đạo đức giả và tiêu chuẩn kép vẫn tồn tại trong lòng xã hội phương Tây, khi mà dù giới chính trị gia kêu gọi không bài ngoại, không tẩy chay Hồi giáo nhưng thực tế rất nhiều người Hồi giáo, người nhập cư vẫn luôn bị phân biệt đối xử. Sự thiên vị của truyền thông phương Tây khi những vụ tấn công khủng bố thảm khốc ở Trung Đông thường nhận được sự chú ý ít hơn hẳn những vụ tấn công khủng bố ở châu Âu. Đặc biệt, sự nổi lên của các đảng phái cực hữu và các chính trị gia có đường lối cực đoan và bài Hồi giáo càng làm cho sự căm ghét các giá trị phương Tây lên đỉnh điểm. Đó là một phần của những lý lẽ được các tổ chức khủng bố sử dụng để cực đoan hóa những người từng là nạn nhân của các cuộc chiến hoặc là những người bất mãn sâu sắc đối với con người và xã hội phương Tây.


Bằng cách mang cuộc chiến đến trước cửa nhà các quốc gia tham gia liên minh chống khủng bố, các tổ chức khủng bố sẽ càng dễ dàng đạt được mục tiêu của mình và giảm bớt áp lực các cuộc tấn công quân sự mà chúng đang phải hứng chịu. Chiến thuật đánh thọc vào mạn sườn thường được những kẻ yếu sử dụng sẽ gây ra những tổn thương đáng kể cho kẻ mạnh hơn mình.


Nhưng tại sao lại luôn là nước Pháp?


Như các nước phương Tây khác, Pháp là quốc gia đa sắc tộc và có nhiều người nhập cư để hình thành nên những cộng đồng đa dạng, đặc biệt là các cộng đồng tôn giáo. Ngay tại nước này có rất nhiều người dân có mối liên hệ chặt chẽ về mặt tôn giáo cũng như là sắc tộc với các quốc gia từ Trung Đông hoặc Bắc Phi. So với các nước châu Âu khác, ở Pháp vấn đề an ninh cũng như thủ tục hành chính dường như không phải là một điểm mạnh. Ví dụ, trong chuyến du lịch ngắn ngày dịp Euro 2016 vừa qua, một người bạn tôi đã bị rạch vali ngay trong khách sạn nơi anh ấy đang ở và bị lấy đi một số tiền mặt. Để giải quyết vụ việc nhỏ ấy, bạn tôi mất một ngày trời với các thủ tục nhiêu khê của nhà chức trách mà rốt cuộc vẫn không xong việc. Sự quan liêu của hệ thống hành chính của Pháp vốn được biết đến khá rõ trong cộng đồng du học sinh ở châu Âu. Trong khi đó, so với các quốc gia châu Âu khác thì thủ tục xin visa đi Pháp lại khá dễ dàng. Hầu hết các du học sinh ở Anh khi xin visa Schengen đều chọn Pháp làm cửa ngõ để vào châu Âu.


Trong báo cáo của tổ chức Institute for Economics and Peace, chỉ số An ninh toàn cầu (Global Peace Index - GPI) của Pháp là 1.829, xếp thứ 46/163 trong các nước được khảo sát và xếp thứ 26/36 ở châu Âu. Với những điều kiện đó, Pháp trở thành một mục tiêu lý tưởng cho các tổ chức khủng bố, đặc biệt là phù hợp với các cuộc khủng bố theo hình thức “sói đơn độc”.


Vụ việc vừa rồi ở Nice đã cho thấy những hạn chế đó. Kẻ tấn công là Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, người Pháp gốc Tunisia theo đạo Hồi. Mặc dù kẻ này nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát, cũng giống như khá nhiều kẻ tấn công trong các vụ khủng bố khác từng diễn ra trước đây ở Pháp, tuy nhiên cuối cùng nhà chức trách vẫn không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Vụ việc xảy ra vào đúng dịp Quốc khánh, ngay sau khi kết thúc Euro 2016, là một thời điểm nhạy cảm, càng cho thấy sự thiếu cảnh giác của lực lượng an ninh Pháp.


Chiếc xe tải đã di chuyển đến hơn 2 km trên con đường dọc bờ biển và tàn sát 84 người vô tội, làm bị thương hàng trăm người khác nhưng vẫn không bị ngăn chặn kịp thời, cho thấy sự thiếu hiệu quả và thiếu chuẩn bị của nhà chức trách. Điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe đó chứa đầy bom và lao thẳng vào đám đông?


Sẽ còn nhiều cách lý giải cho câu hỏi: “Tại sao lại tiếp tục là Pháp?”. Nhưng câu hỏi tiếp theo cần được trả lời, một cách hết sức cấp bách, là: “Cần phải làm gì để ngăn chặn những thảm họa này tiếp diễn?”. Cách tốt nhất theo tôi là phải đóng nắp chiếc hộp Pandora - chiếc hộp, theo truyền thuyết, chứa đựng tất cả những điều xấu xa, tai ương của nhân loại, cũng chính là tìm cách chấm dứt và hạn chế đến mức tối đa những tư tưởng cực đoan và lý do dẫn đến sự cực đoan.


Phản ứng sau vụ khủng bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande ban bố tình trạng khẩn cấp đồng thời huy động lực lượng dự bị; ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị tuyên bố tình trạng chiến tranh với IS và kêu gọi sử dụng những biện pháp cứng rắn; ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton tuyên bố phương Tây đang trong một cuộc chiến dưới một dạng thức khác với các tổ chức khủng bố và yêu cầu những biện pháp đáp trả thông minh để giành chiến thắng.


Nhưng tôi chú ý đến lời tuyên bố của Thị trưởng London Sadiq Khan, một thành phố với rất nhiều người nhập cư, khi ông thề sẽ đảm bảo an toàn cho thành phố, đồng thời đề nghị mọi người hãy cứ tiếp tục sống và làm việc như bình thường, tiếp tục tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.


Tôi nghĩ rằng chiến tranh sẽ lại mang đến chiến tranh. Thế giới này nhất quyết không thể tha thứ cho cái xấu, cái ác. Nhưng thế giới này cũng cần nhân lên điều thiện để những cá thể khốn khổ không bị đẩy đến mức cực đoan hóa, phải ngả về phía bóng tối của hận thù và ngăn cách.



Lê Đức Tiến – Aston Business School (Bài viết trích từ chuyên mục Góc nhìn của báo điện tử VnExpress.net)


 
 
 

Comentarios


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page