Quê hương Shakespeare
- Tien Len
- May 1, 2016
- 7 min read
Câu chuyện Romeo & Juliet với kết cục bi thảm của một tình yêu vượt qua mọi rào cản đã khiến cho bao người trên thế giới qua nhiều thế hệ đã phải rung động. Câu nói kinh điển “to be or not to be” của chàng hoàng tử Hamlet tài danh mà bất hạnh cũng trở thành một định đề nổi tiếng để nói về phương châm sống của con người. Rồi những tác phẩm khác như Giấc mộng đêm hè, Gã lái buôn thành Venice, Othello,… đã biến tên tuổi William Shakespeare trở thành huyền thoại. Một huyền thoại bất tử, mặc dù ngày 23/04/2016 vừa qua là ngày mà toàn thể nước Anh tổ chức kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông. Bốn thế kỷ đã qua đi nhưng dấu ấn mà ông để lại vẫn còn nguyên vẹn, khi mà nói đến Shakespeare là nói đến nước Anh – một nước Anh thấm đẫm sắc màu lịch sử và văn hóa, nói đến nước Anh là nói đến Shakespeare – niềm tự hào vĩ đại nhất của nền văn học kiệt xuất xứ sở sương mù, nền văn học sản sinh ra những cây bút vĩ đại khác là chị em nhà Bronte: Charlotte Bronte với Jane Eyre, Emily Bronte với Đồi gió hú; là Charles Dickens với David Copperfield; là William Makepeace Thackeray với Hội chợ phù hoa; là Jane Austen với Kiêu hãnh và Định kiến; là J.R.R. Tolkien với Chúa tể những chiếc nhẫn; là J.K. Rowling với Harry Porter,...
Cứ sau mỗi lần khép lại những cuốn sách nói trên, tôi lại bật ra một câu hỏi: “Tại sao nước Anh lại có nhiều nhà văn và nhiều tác phẩm văn học tuyệt vời đến vậy?” Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn học, chỉ là một người đọc bình thường, vì thế câu hỏi lửng lơ đó có lẽ cũng sẽ không bao giờ được trả lời, cho đến khi tôi được đặt chân đến nước Anh, và đặc biệt là khi tôi được đến thăm quê hương của Shakespeare – Stratford-upon-Avon.
Stratford-upon-Avon, hiểu nôm na thì là “Thị trấn Stratford nằm bên bờ sông Avon”, một cái tên lãng mạn. Đó là một thị trấn nhỏ bé, cổ kính và yên bình. Nằm trong khu phố chính cạnh những con đường hẹp là những căn nhà cũ kỹ, tường làm bằng gỗ kết với gạch nung, được quét vôi trắng toát nhưng vẫn để lộ những cột gỗ mun đen ngang dọc rất đặc trưng và dễ nhận thấy. Khắp trong thị trấn là những quán rượu, tiệm trà nhỏ xíu hàng trăm năm tuổi, ghế bàn bày ra khắp lối đi bên cạnh những cột dây leo bám xanh ngắt. Những cửa hàng bán sách, bán đồ lưu niệm với mái nhà và khung cửa thấp lè tè, lúp xa lúp xúp khiến nhiều người cao lớn phải cúi đầu mới bước vào được. Phía ngoài thị trấn khoảng một vài dặm là những cánh đồng cỏ bát ngát xanh tươi, lác đác mấy ngôi nhà có mái khum khum màu nâu đen được làm bằng rạ, giống như những ngôi nhà đồ chơi được nhìn thấy trong những làng quê nhỏ của truyện cổ tích.
Một ấn tượng dễ nhận thấy ở Stratford đó là cư dân ở đây chủ yếu là những người lớn tuổi. Các ông cụ, các bà cụ hoặc đang ngồi trên ghế sắt lim dim tận hưởng cái nắng hiếm hoi trong hơi lạnh man mác, hoặc đang lom khom chống gậy dò dẫm từng chút một, hoặc đang nắm chặt tay nhau thong thả dạo bước, hoặc đang ghì dây kéo cổ một chú chó nghịch ngợm chạy lăng xăng,... Chính vì có nhiều người lớn tuổi nên sự trầm mặc và thanh tịnh của thị trấn nhỏ này là một điều rất tự nhiên và dễ hiểu.
Phố trung tâm của thị trấn là một con đường lát đá khá rộng dành cho người đi bộ. Ngay chính giữa con phố này có một ngôi nhà gỗ ba mái nằm tách biệt. Ngôi nhà cũ kỹ, cửa đóng then cài im ỉm. Đó là ngôi nhà mà Shakespeare chào đời từ thế kỷ 16. Ngôi nhà mấy trăm năm tuổi, và đây cũng chính là linh hồn của thị trấn. Khu vực chung quanh ngôi nhà này là những cửa hàng và kiến trúc gắn liền với cái tên Shakespeare. Là những cửa hàng tường gạch nung đỏ mang tên Shakespeare Giftshop, Shakespeare Bookshop, Shakespeare Centre Craft Yard; là bức tượng đồng của anh hề Touchstone trong tác phẩm As You Like It; là nơi ăn chốn ở trước kia của những người trong dòng họ nhà ông (vợ, con gái, con rể,...); tất cả đều trở thành những điểm tham quan nổi tiếng và nhộn nhịp ở đây.
Shakespeare sinh ra và mất đi cũng tại Stratford-upon-Avon (1564-1616). Ông được chôn cất tại Holy Trinity Church, thánh đường cổ xưa và uy nghi nhất của Stratford, cùng với vợ, con gái, con rể của ông. Trên mộ phần của ông là mấy dòng chữ:
“GOOD FRIEND FOR JESUS’ SAKE FORBEAR,
TO DIG THE DUST ENCLOSED HERE,
BLESSED BE THE MAN THAT SPARES THESE STONES,
AND CURSED BE HE THAT MOVES MY BONES.”
(Hỡi anh bạn quý, vì Chúa,
hãy đừng động chạm đến mộ phần của ta.
Chúa sẽ ban phước cho người không chạm đến những tảng đá này
và chúa sẽ nguyền rủa đến kẻ dám động vào xương cốt của ta)
Những dòng chữ này được cho là lời trăn trối dặn dò của Shakespeare để tránh việc xương cốt của ông bị xâm phạm sau khi ông qua đời. Có lẽ nhà văn chỉ muốn được yên nghỉ trong sự bình an vĩnh hằng, và vì thế ông muốn dùng tài nghệ trong việc sáng tác của mình để đưa ra những lời nguyền khiến cho hậu thế run sợ. Vậy mà trớ trêu thay là có những giả thuyết và lời đồn cho thấy phần mộ của ông đã bị đào bới và hộp sọ của Shakespeare được lấy đi vào năm 1794. Lý do của việc trộm mộ được cho là để tìm hiểu và lý giải về tài năng kiệt xuất của Shakespeare. Gần đây, có một nhóm nghiên cứu khảo cổ đã dùng máy quét radar để soi chiếu phần mộ của Shakespeare và kết luận rằng có dấu hiệu cho thấy hộp sọ của ông biến mất.
Cuộc đời chỉ có vỏn vẹn 52 năm nhưng với những gì Shakespeare để lại cho đời cho dù xương cốt của ông có tan biến đi thì tên tuổi của ông sẽ vẫn gắn bó mãi mãi với Stratford-upon-Avon, với nước Anh, với tất cả sân khấu kịch nghệ và người yêu văn học trên toàn thế giới. Tôi đi dọc theo bờ sông Avon xanh rợp màu cỏ tươi, nhận thấy những mẩu đá nhỏ tạc tên của những người đã mất nằm lẩn khuất rải rác đâu đó dọc bên triền sông. Những con người khi đã ra đi thì chỉ còn một mong muốn là ở lại với đời theo một cách nào đó. Có những tấm bia đá rồi sẽ bạc màu cùng với thời gian. Nhưng cũng có những cái tên không cần tạc vào đâu mà sẽ vẫn còn sống mãi, cùng với con sông Avon lộng gió cứ chảy mãi ngàn năm.
Nước Anh với những đồi cỏ xanh tươi dài hun hút, với cái lạnh buốt giá của gió bắc và sương mù, với những con sông thơ mộng xuôi mình ra biển lớn, với sự cô đơn biệt lập của một hòn đảo kiêu hãnh và hoài cổ, với những con người luôn mong muốn tạc tên mình vào bức tường thời gian, có lẽ đó chính là lý do cho những áng văn bất hủ ra đời…

Quán rượu cổ The Old Thatch Tavern – quán rượu cổ nhất của Stratford có từ năm 1470 với mái nhà được lợp bằng rơm – đây là kiến trúc được lợp bằng rơm duy nhất có trong thị trấn. Những ngôi nhà được lợp bằng rơm khác phải đi ra ngoài thị trấn mới thấy.

Trên con đường đi vào thị trấn là những quán ăn nhỏ bé xinh xinh và con đường gọn gàng vắng vẻ.


Những quán hàng lụp xụp mà cửa vào thấp đến nỗi những người cao lớn phải cúi xuống khi bước qua và phải chú ý đến dòng chữ “MIND YOUR HEAD”.

Những ông bà cụ thong dong dắt chó đi dạo hay ngồi trầm tư bên ghế sắt ngắm người lại qua…

… hoặc lắng nghe một nghệ sĩ đường phố đang ngân nga những khúc nhạc đồng quê ngọt ngào và say đắm.

Nắng tỏa xuống vàng rượm trên con đường Henley dẫn đến ngôi nhà nơi Shakespeare được sinh ra và lớn lên.

Ngôi nhà cổ khá cũ kỹ, xù xì và đơn giản – nơi đã sinh ra thiên tài văn học của nước Anh và thế giới.

Quán rượu The Windmill Inn, được cho là nơi mà Shakespeare vẫn thường tụ tập bạn bè “làm vài chén” để lấy cảm hứng sáng tác cho các vở kịch của ông.

Bên trong thánh đường Holy Trinity Church – là nơi an nghỉ của Shakespeare cùng với vợ, con gái, con rể của ông.

Những nhánh hoa trạng nguyên đỏ rực dưới gốc cây bạch dương được trồng để tưởng nhớ nữ diễn viên điện ảnh người Anh Vivien Leigh (1913-1967), nàng Scarlett O’Hara cá tính trong bộ phim Gone with the Wind. Vivien Leigh cũng đã từng đóng nhiều vai diễn trong các vở kịch của Shakespeare. Và “A Lass Unparalleled” được khắc trên bia đá tưởng niệm như là một danh xưng cao quý dành cho Vivien Leigh, vì đây cũng là một câu trích trong vở kịch Antony and Cleopatra của Shakespeare.

Con sông Avon thơ mộng lúc thì chộn rộn với các đàn thủy cầm đông đúc ồn ào ỏm tỏi…

… khi thì bình yên lờ lững chảy trôi về nơi vô định trong một ngày nắng đẹp.
Lê Đức Tiến – Aston Business School (Bài viết trích từ trang web http://ukinmyeyes.vn/ của Hội đồng Anh Việt Nam)
Comments