Và một ngày của bóng đá ở Leicester
- Tien Len
- May 14, 2016
- 7 min read
Hôm nay trời đổ cơn mưa to dù mấy ngày qua trời nắng ráo. Trên chuyến tàu từ ga Birmingham đến Leicester chủ yếu là đàn ông. Tiếng nói chuyện râm ran ồn ào trên tàu chỉ xoay quanh bóng đá. Rồi bỗng nhiên tàu dừng lại ở ga Nuneaton cùng với lời thông báo về những cơn sét lớn đã phá hủy hệ thống đèn tín hiệu. Đám đông nhốn nhào phàn nàn bởi vì trận đấu giữa Leicester và Everton chuẩn bị diễn ra trong vòng 30 phút nữa. Nhưng biết làm sao được. Sự chờ đợi sốt ruột dần chuyển thành những câu chuyện hỏi han và tán thưởng về chức vô địch tuyệt vời của Leicester. Một anh chàng thốt lên: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Leicester. Nhưng là lần đầu tiên kỳ diệu!”. Một anh chàng khác trầm trồ: “Leicester làm chúng ta thấy bóng đá thật đẹp. Tôi cá hôm nay sẽ là ngày đông đúc nhất ở Leicester.”
Đoàn tàu dừng lại chờ hệ thống đèn tín hiệu được phục hồi trong vòng 30 phút trước khi đến ga Leicester. Đúng như lời của anh chàng nọ, dòng người ùa ra khỏi nhà ga góp thêm vào không khí đang tưng bừng rộn ràng của thành phố nhỏ. Ra khỏi ga, tôi vội vã hướng về sân vận động King Power thì bỗng có tiếng gọi của ai đó. Vì đang vội nên tôi lắc đầu rồi bước nhanh đi. Nhưng hóa ra là có hai anh chàng nào đó muốn nhờ tôi chụp ảnh. Hỏi chuyện sơ qua mới biết họ là người Algerie, đồng hương của Riyad Mahrez, cầu thủ hay nhất của Leicester trong mùa giải năm nay. Hai người này đang cực kỳ phấn khởi với chức vô địch của Leicester và tự hào về đồng hương của họ. Vậy là chúng tôi cùng kéo nhau săng sái hướng về phía sân vận động cho dù cơn mưa càng lúc càng tầm tã.
Cảm nhận đầu tiên của tôi thì hình như Leicester chỉ là một thành phố nhỏ bé trầm buồn. Nếu không có những dòng người đang tuôn về từ khắp ngả, không có những chiếc xe bim còi inh ỏi, không có những cổ động viên đang thổi kèn toe toe, chắc là Leicester không có gì đặc sắc. Như một người bạn của tôi đã từng nhiều lần đến thăm Leicester kể lại, Leicester thường là chủ đề trêu chọc của báo chí khi cho rằng thành phố này mãi không chịu phát triển, cứ đều đều, đều đều. Trên con đường hướng về sân vận động, chúng tôi đi bộ ngang qua những khu đồng cỏ rộng và những ngôi nhà trông suy tư buồn bã. Nhưng vì không có thời gian khám phá Leicester nên tôi cũng chưa dám kết luận điều gì. Có lẽ mùa giải sang năm, tôi sẽ lại đến đây để xem một trận bóng đá, và để tìm hiểu khám phá thành phố này. Mong sao khi đó trời sẽ không mưa và tàu sẽ không bị hoãn chuyến vì sấm sét. Tôi tin là có một đội bóng làm nên điều không tưởng như Leicester City thì thành phố này cũng phải có điều gì đó đặc biệt.
Bên ngoài sân vận động lúc này chỉ rải rác người tụ tập vì trời còn mưa. Mọi người tranh thủ chụp ảnh, quay phim ghi hình làm kỷ niệm. Mấy anh chàng Algerie rất phấn khởi, chạy vòng quanh, lăng xăng chụp hình. Họ hồn nhiên như những đứa trẻ, vui mừng rạng rỡ như là đội tuyển quốc gia Algerie đã đoạt chức vô địch vậy. Tôi trở thành nhiếp ảnh gia bất đắc dĩ cho mấy anh bạn này. Và cũng vui lây với niềm vui của họ. Một lát sau thì trời khô ráo, và mọi người bắt đầu tụ tập đông hơn. Sân vận động King Power không quá lớn, vì thế chẳng bao lâu mà chỗ nào cũng toàn là người và người. Người quấn khăn choàng, người tung cờ hiệu, người giương cúp giả, người phồng miệng thổi vuvuzela, người công kênh người múa may loạn xạ, người hát hò âm vang rền rĩ, người leo tít lên cột cờ,... Dòng người ken đặc nhau, hòa chung niềm vui rộng khắp. Phía trên tầng cao nhất của sân vận động có những cổ động viên từ trong sân gõ rầm rầm vào mấy tấm cửa ngăn như muốn gửi sự háo hức từ bên trong ra bên ngoài. Mỗi lần Leicester ghi bàn (trận đấu này Leicester thắng Everton 3-1), thì ở bên ngoài lại reo hò ầm ĩ như muốn truyền hết năng lượng và sự phấn khích vào bên trong sân. Tôi say sưa hết chụp ảnh rồi quay phim như muốn ghi lại tất cả những giây phút mà có thể sẽ không bao giờ lặp lại nữa, những khoảnh khắc có thể sẽ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời của các cổ động viên Leicester cũng như là cổ động viên trung lập. Chỉ một lát sau, tôi bỗng lạc mất tiêu mấy anh bạn người Algerie giữa biển người đông đặc đó.
Bỗng nhiên một cánh cửa sân hé mở. Lúc này trận đấu đã kết thúc và trong sân đang diễn ra nghi thức trao cúp cho đội vô địch. Có lẽ không khí trong sân nhiệt quá nên có một vài người lớn tuổi không chịu được phải ra về. Lợi dụng lúc cánh cửa mở ra thì có một số người ở bên ngoài lách vào. Tôi đang đứng gần đó tách xa đám đông để chụp ảnh, cũng không kịp suy nghĩ gì hết, bước vội theo nhóm người kia đi vào trong sân trước khi cánh cửa kịp đóng lại. Một sự may mắn quá lớn đối với tôi. Bên trong sân, khắp nơi là một màu xanh nước biển. Màu áo của Leicester City. Bên dưới sân, các cầu thủ đang nhận cúp. Kia là Danny Drinkwater, N’Golo Kante, Riyad Mahrez, Shinji Okazaki, Christian Fuchs, Wes Morgan đang giương cao chiếc cúp vô địch. Những cầu thủ mà hồi đầu mùa vẫn còn vô danh. Còn giờ đây, cả nước Anh đang nằm dưới chân họ. Niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của các chiến binh - những người đã làm nên điều kỳ diệu cho lịch sử bóng đá thế giới chứ không chỉ của nước Anh. Và kia là huấn luyện viên Claudio Ranieri - người đàn ông đi vào huyền thoại. Tôi hòa cùng với góc vận động nơi mình đang đứng hô vang tên của ông: “Claudio... Claudio... Claudio...” Tiếng hô cứ vang rền hoài không dứt, Ranieri quay lại vẫy tay chào và tôi thì tưởng tượng rằng mắt ông đang ướt nhòa vì niềm hạnh phúc quá lớn lao này.
Vốn là một phần đặc sản của những trận bóng tại giải Ngoại hạng, bên dưới sân có các cổ động viên vượt rào đang chạy lung tung. Một người, hai người, rồi ba bốn người cứ chạy loăng quăng, báo hại mấy anh an ninh đuổi theo bở hơi tai, còn ở trên khán đài thì tiếng cười và vỗ tay tán thưởng những anh chàng nghịch ngợm ấy cũng vang lên giòn giã. Bỗng nhiên chúng tôi thấy Ranieri đi về đúng hướng khán đài nơi mà chúng tôi đang đứng. Có lẽ vì ông đã nghe thấy tiếng gọi tha thiết của chúng tôi chăng? Người đàn ông với nụ cười hiền và triết lý độc đáo “dilly-ding dilly-dong” của một mùa giải phi thường. Sau tất cả những thất bại và đắng cay đến tận cùng, ông đã dành những gì tinh túy nhất của mình để làm nên một Leicester kỳ diệu của ngày hôm nay. Sau tất cả những nước mắt của sự chua chát và cúi đầu, ông vẫn giữ nguyên nụ cười lạc quan và một tâm thái an nhiên để ngày hôm nay lại ngẩng cao đầu rớm lệ tri ân. Chúng tôi ùa xuống phía dưới khán đài chỉ để được chạm vào bàn tay của người đàn ông thần thoại ấy. Chỉ để nghe tiếng ông nghẹn ngào: “Thank you”!
Cuộc đời vẫn luôn luôn tồn tại những điều kỳ diệu. Dù chúng ta có ở tận đáy của sự thất vọng thì cũng hãy tin như vậy. Tôi thì luôn tin rằng người tốt rồi sẽ dành chiến thắng. Và trời thì không bao giờ phụ lòng người ngay. Sau tất cả, và cuối cùng... Chỉ cần chúng ta tin ở chính mình, cũng như tin ở duyên phận của cuộc đời này.
Tôi ra về, ngây ngất vì những gì đã được trải qua ở Leicester. Chuyến tàu cuối về lại Birmingham ken đặc người. Tiếng hát hò trên khoang tàu vẫn còn rộn ràng lắm cứ như là kim đồng hồ chưa hề chỉ tới nửa đêm. Đến bến ga New Street Station, tôi xuống tàu về nhà, bỗng nghe tiếng gọi sau lưng. Quay lại thì thấy hai anh bạn người Algerie đang chạy tới. Chúng tôi ôm chầm nhau, hạnh phúc vô cùng. Sau tất cả, chúng tôi lại gặp được nhau. Và như lời của anh bạn Naimi chân chất ấy thì: “Bóng đá kết nối tất cả chúng ta”!

Niềm hạnh phúc dâng tràn trên gương mặt của người lớn lẫn trẻ con

Còn các thanh niên "trẩu tre" thì khỏi phải nói :D :D :D

"Claudio... Claudio... Claudio..."

Công kênh nhau múa may loạn xạ

Cái anh chàng béo này thì không biết ai công kênh cho nổi đây :D :D :D

CHAMPIONS

Khói xanh bốc lên mù mịt một góc sân vận động

Tôi chỉ ước gì có được góc chụp ảnh của anh chàng kia :(( :((

Nhiều người chắc cũng phải thầm khen lòng can đảm của cô gái

Champions... Champions... Champions...

Một không khí lễ hội đặc quánh và một cảm giác "once of a lifetime"

Riyad Mahrez và mẹ của mình. Món quà tuyệt vời nhất dành cho Ngày của mẹ (Mother's Day) 8th May

"Claudio... Claudio... Claudio..."

Người đàn ông thần thoại
Lê Đức Tiến – Aston Business School (Bài viết trích từ trang web http://ukinmyeyes.vn/ của Hội đồng Anh Việt Nam)
Comentarios