top of page
Search

London trong mắt tôi

  • Tien Len
  • Jun 8, 2016
  • 4 min read

Lần đầu tiên đến London cách đây bảy năm, tôi choáng ngợp trước một London vừa hiện đại vừa cổ kính, vừa nhộn nhịp vừa bình yên, vừa lộng lẫy vừa dịu dàng, vừa xa hoa vừa xộc xệch. London có tất cả. Những dòng người cuồn cuộn như thác lũ. Những con tàu chạy vun vút trong đường hầm tối tăm. Những tòa nhà lớn, những con phố dài và những luồng xe lại qua đông như mắc cửi. Hồi ấy, vốn đến từ một thành phố nhỏ trầm buồn miền Trung Scotland tên là Stirling, cho nên tôi không khác nào một cậu nhà quê lên phố, cứ lớ nga lớ ngớ, lóng nga lóng ngóng giữa London hoa lệ. Một sự ngưỡng mộ không giấu diếm. Và London như một giấc mơ đối với tôi vậy.


Có những buổi tối muộn, tôi lang thang một mình trên những con phố đông đúc nhộn nhịp ở Oxford Circus, nhìn những dòng người tràn vào rồi lại túa ra từ những cửa hàng sáng choang ánh đèn và lấp lánh bảng hiệu quảng cáo, tôi băn khoăn tự hỏi những người kia họ sẽ đi về đâu, họ sẽ làm gì, cuộc sống của họ thế nào, họ có sinh hoạt như những người bình thường hay không? Tôi đứng trơ ra đó, cứ nhìn người ta hối hả lại qua ngay sát bên mình rồi thả trí tưởng tượng mông lung, cứ như là đang coi một cuốn phim, một tập truyện tranh kỳ thú. Một cảm giác rộn ràng và bồi hồi, khó tả và khó quên.


Có những buổi chiều tà, tôi thẩn thơ dạo bước trên cầu London, thong thả ngắm nhìn hoàng hôn giăng xuống phía xa tít ngoài cửa biển. Ánh nắng vàng vọt nhuộm tím những thắng tích dọc hai bờ sông Thames khiến tôi bàng hoàng nhận ra mình đang đứng trên những lớp trầm tích hàng ngàn năm, những lớp trầm tích của lịch sử và văn hóa, của niềm tự hào và yêu kính hoàng gia, của bao nhiêu thế hệ người London bồi đắp. Cơn gió thời gian càng làm dày thêm những nét cổ kính rêu phong, còn cơn gió của dòng sông làm tôi cảm thấy mơn man và sung sướng vô ngần. London đẹp đến vô thực trong những khoảnh khắc kỳ diệu ấy.


Có những ngày đầy tuyết, tôi lặng ngồi giữa công viên Hyde Park, lắng nghe thanh âm vui vẻ của những em bé đang nô đùa nghịch tuyết, tiếng lúc cúc của đàn bồ câu béo múp đang xôn xao chung quanh, tiếng vi vu của gió trời đang luồn trong những rặng cây xào xạc. Tôi ngửi thấy mùi hương ngọt ngào của hơi lạnh, của không gian thoáng đãng giữa lòng thành phố nhộn nhịp ồn ào. Trong tuyết lạnh và giữa London lộng gió, sự cô đơn và lẻ loi cũng rất dễ cảm thấy. Nhưng đâu đó cũng là những hơi ấm. Hơi ấm từ những cái ôm thật chặt, từ những lời thủ thỉ, từ những ân cần. Cái lạnh nhiều khi lại giúp cho chúng ta cần nhau và gần nhau nhiều hơn.


Sau bảy năm, tôi quay lại London. Vẫn là những thứ không hề mất đi, vẫn là London mà tôi từng biết. Nhưng cảm giác của tôi giờ đây hình như đã thay đổi nhiều. London vẫn như một tiểu thư kiêu kì mà so với nó thì tất cả thành phố khác ở UK chỉ như những cô gái quê mùa. London cũng chính là cỗ máy kiếm tiền của UK với vòng xoay nhanh đến chóng mặt, mạnh đến khắc nghiệt. Nhìn những gương mặt như không biết cười của những người London trong khi hối hả đến sở làm, nhìn họ tranh thủ trang điểm và chải tóc trước khi bước lên tube, nhìn những người ngủ gật gù trong khoang tàu đông đặc người, nhìn những người mặc com-lê thắt cà-vạt tay xách cặp-táp đang nhồm nhoàm nhai vội miếng ăn trong khi chờ đèn đỏ, nhìn những người vô gia cư co ro nằm giữa lòng đường trong đêm gió lạnh,... tôi bỗng hiểu ra một điều: London không hoàn hảo.


Có nhiều người bạn thân thiết của tôi đã từng và hiện vẫn đang sống ở London. Chắc rằng, họ sẽ rất khó quên được London. Tôi tò mò muốn biết họ sẽ nhớ nhất London ở những điểm nào. Là một London phồn hoa đô hội, hay là một London với những góc khuất của cuộc mưu sinh mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu.


Với tôi, London luôn là một sự hấp dẫn khó cưỡng. Tôi mê đắm London như một người tình, nhưng sẽ không bao giờ hỏi cưới. London là một điểm đến, nhưng không phải là nhà.

Lê Đức Tiến – Aston Business School (Bài viết trích từ trang web http://ukinmyeyes.vn/ của Hội đồng Anh Việt Nam)


 
 
 

Comments


Featured Posts
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page